Lý tưởng, đạo đức, lối sống được thể hiện trong hành vi, giao tiếp và cách ứng xử của con người trong cộng đồng xã hội. Việc xây dựng lý tưởng, đạo đức, lối sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng chính là tạo ra nguồn động lực để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Sự cần thiết của việc hình thành kỹ năng sống thông qua giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống
Hiện nay, thế hệ trẻ đang sống, học tập và sinh hoạt trong một môi trường đan xen nhiều tác động, có cả tác động tích cực và tiêu cực của sự phát triển nhanh chóng của các lĩnh vực kinh tế, xã hội và giao lưu quốc tế. Do đó, muốn thành công, lập thân, lập nghiệp; đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong bối cảnh mới, thế hệ trẻ cần phải được giáo dục kỹ năng sống.
Thuật ngữ “kỹ năng sống” từ những năm 90 của thế kỷ XX đã xuất hiện trong một số chương trình giáo dục của UNICEF dưới tên gọi ban đầu là “Giáo dục những giá trị sống” cho thế hệ trẻ. Sau đó, UNESCO đã tiến hành một dự án tại một số nước Đông Nam Á nhằm nghiên cứu một cách hệ thống để định hướng khơi dậy và phát huy tối đa các tiềm năng của người học; đào tạo một thế hệ năng động, sáng tạo, có những năng lực chủ yếu như: năng lực thích ứng, năng lực hoàn thiện, năng lực hợp tác, năng lực hoạt động xã hội… để thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của xã hội.
Có thể thấy rằng, kỹ năng sống bao gồm một loạt các kỹ năng cụ thể, cần thiết cho cuộc sống hằng ngày của con người; đó là khả năng làm chủ bản thân của mỗi con người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác và với xã hội, khả năng ứng phó trước các tình huống của cuộc sống.
Với ý nghĩa đó thì giáo dục kỹ năng sống sẽ giúp cho thanh, thiếu niên, nhi đồng phát triển các kỹ năng của bản thân trong giao tiếp, làm việc và xác định rõ giá trị của bản thân và tập thể, sống tự tin và có trách nhiệm với chính mình và xã hội.
Kỹ năng sống không phải tự nhiên có được mà phải được hình thành trong quá trình học tập, giáo dục, lĩnh hội và rèn luyện trong suốt cả cuộc đời, trong đó có nhiều kỹ năng hình thành thông qua giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống. Quá trình hình thành kỹ năng sống có thể diễn ra cả trong và ngoài hệ thống giáo dục (gia đình, nhà trường và xã hội). Trong đó, nhà trường sẽ đóng vai trò là môi trường giáo dục chuyên nghiệp với các tiêu chí về:
– Mục tiêu: trang bị cho học sinh những tri thức, giá trị, thái độ và kỹ năng phù hợp. Trên cơ sở đó hình thành cho học sinh những phương pháp tư duy, hành vi, thói quen tích cực trong các mối quan hệ, các tình huống và hoạt động hằng ngày. Tạo cơ hội thuận lợi để học sinh thực hiện tốt quyền, bổn phận của mình và phát triển hài hòa về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức.
– Nội dung: Tập trung vào những vấn đề đang diễn ra trong thực tiễn hiện nay, như giáo dục phòng tránh HIV/AIDS, giáo dục phòng tránh ma túy; giáo dục môi trường, giáo dục dân số, giáo dục an toàn giao thông; bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản vị thành niên; giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình; chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống xâm hại trẻ em, bảo đảm quyền tham gia của trẻ em trong gia đình; phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi trong gia đình… Tổ chức cho học sinh được trực tiếp trải nghiệm bằng các hoạt động, các tình huống trong thực tiễn.
– Phương thức: Có thể tích hợp giáo dục kỹ năng sống với nội dung các bài học ở tất cả các môn học, nhất là các môn khoa học xã hội như lịch sử, địa lý, giáo dục công dân… Thông qua các chủ đề chuyên biệt về kỹ năng sống dưới hình thức hoạt động ngoài giờ lên lớp của các tổ chức đoàn thanh niên, thông qua các tình huống giáo dục và các tình huống trong thực tiễn cuộc sống; thông qua hoạt động của câu lạc bộ đội, nhóm trong nhà trường; các lớp tập huấn nhằm giới thiệu, nâng cao nhận thức hiểu biết và ý thức rèn luyện kỹ năng sống; thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề – tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia tâm lý giáo dục; thông qua các buổi sinh hoạt Đoàn; tổ chức các hội thi đóng vai tình huống cụ thể gắn với kỹ năng cần hình thành…
Vai trò của các chủ thể trong việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng
Để việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng đạt hiệu quả, nhất thiết phải có sự phối hợp của tất cả các chủ thể giáo dục, từ gia đình, nhà trường đến toàn thể cộng đồng, xã hội. Trong đó:
Gia đình là cơ sở giáo dục đầu tiên của mỗi người, đây là chủ thể có vị trí quan trọng và ý nghĩa lớn đối với quá trình hình thành và phát triển nhân cách của mỗi người. Trong gia đình, bố mẹ là những chủ thể giáo dục đầu tiên có tác động và ảnh hướng lớn nhất đối với mỗi người, đó là những chủ thể đầu tiên giáo dục, truyền đạt cho chúng ta những phẩm chất nhân cách cũng như những kỹ năng sống cơ bản nhất, giúp xây dựng nền tảng cơ bản cho quá trình phát triển về sau của mỗi người.
Tuy vậy, giáo dục gia đình hiện nay cũng chịu tác động lớn của điều kiện kinh tế, nếp sống, trình độ, nghề nghiệp và kỹ năng sống của cha mẹ… đặc biệt là mối quan hệ gắn bó, gần gũi giữa cha mẹ và con cái. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay, nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, dẫn đến việc quá nuông chiều con em khiến các em ít có điều kiện thực hành, thiếu các sinh hoạt rèn luyện cần thiết.
Nhà trường là một hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức quản lý chặt chẽ với mục đích, nội dung, phương pháp có chọn lọc trên cơ sở khoa học và thực tiễn nhất định. Do đó, nhà trường chính là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Đòi hỏi mỗi nhà trường phải được đảm bảo có hệ thống chương trình khoa học, các tài liệu, sách giáo khoa, sách tham khảo, các phương tiện hỗ trợ giáo dục ngày càng hiện đại, đặc biệt là với một đội ngũ cán bộ, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm có tâm huyết, trách nhiệm và có kiến thức chuyên môn vững vàng trong việc giáo dục kỹ năng sống. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ở các nhà trường chỉ dừng lại ở mức độ tích hợp, xen kẽ, với các hoạt động ngoại khóa và các sinh hoạt của các tổ chức Đoàn, Đội.
Các tổ chức Đoàn, Đội, Hội (chủ yếu thông qua sinh hoạt Đoàn, Đội, Hội trong các nhà trường) tác động đến việc giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng thông qua tổ chức cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tiếp xúc với người lao động, các nhà khoa học, anh hùng, chiến sĩ thi đua… Tham gia các hoạt động công ích phục vụ các phong trào, các ngày lễ lớn ở địa phương, trong nhà trường; tổ chức cho thanh, thiếu niên, nhi đồng tham gia vào các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, các hoạt động chính trị xã hội…
Các hoạt động thực tiễn này sẽ góp phần gắn kết thanh, thiếu niên, nhi đồng với cuộc sống, với cộng đồng xã hội, qua đó hình thành ý thức, thói quen, và hành vi tích cực; đồng thời phát triển các kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng làm việc độc lập, kỹ năng truyền đạt thông tin, kỹ năng hội nhập… cho người học.
Xã hội đóng vai trò là môi trường thực tế trong giáo dục kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên, nhi đồng, giúp họ hoàn thiện một số kỹ năng cuộc sống. Thông qua họp tổ dân phố, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt văn hóa – văn nghệ, thể dục, thể thao; tổ chức các hoạt động sinh hoạt cộng đồng phù hợp với từng lứa tuổi; nắm bắt tình hình và hỗ trợ gia đình, nhà trường giáo dục học sinh, biểu dương khen thưởng học sinh có thành tích trong học tập rèn luyện; các tổ chức xã hội (Hội phụ nữ, Nông dân, Hội khuyến học…) phối hợp phân công giúp đỡ, tư vấn kiến thức nuôi dạy con, hỗ trợ vật chất, tinh thần…; thành lập và đẩy mạnh Quỹ khuyến học, Chi hội khuyến học…
Việc phối hợp chặt chẽ của các chủ thể giáo dục: gia đình, nhà trường, xã hội trong việc giáo dục kỹ năng sống là rất cần thiết, như chiếc kiềng ba chân, đơn giản, vững chắc; huy động trách nhiệm của cả cộng đồng, phát huy những tiềm năng phong phú của toàn xã hội (về vật chất cũng như tinh thần) tham gia vào công tác giáo dục thế hệ trẻ. Tạo ra sự thống nhất thực hiện các mục tiêu mà chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030″ đã đề ra.
Theo https://dantri.com.vn/