Nhưng ít anh chị Phụ trách nào nắm bắt được cốt lõi của những sự việc hay phải làm gì khi tổ chức sinh hoạt tập thể. Các em đã quá mệt mỏi với những bài vở, lý thuyết ở trong nhà trường rồi, nếu khi đến sinh hoạt mà gặp một anh chị Phụ trách cứ thao thao bất tuyệt hay một anh chị Phụ trách độc diễn suốt buổi sinh hoạt, chúng tôi tin rằng khó tồn tại lâu dài.
Để cho các em có thể “tiêu hóa” được những bài học về đạo đức, nhân bản, luân lý… chúng ta nên biến những bài học đó thành những bài ca, điệu múa, vở kịch hay trò chơi. Những hoạt động này không những giúp cho các em tiếp thu bài học một cách thoải mái, tự nhiên, mà còn giúp cho các em được vui chơi thư giãn.
Nhưng làm thế nào để cho những hoạt động như: ca hát, nhảy múa, vui chơi… đạt được hiệu quả cao? Chúng tôi xin mời các bạn tham khảo các phần sau đây:
Ca hát
Trong sinh hoạt của các phong trào thanh thiếu niên, ca hát là một hoạt động chủ lực không thể thiếu, vì nó nói lên được sức mạnh, sự đoàn kết, vui tươi và trẻ trung của đoàn thể đó.
Ca hát là giáo dục bằng truyền cảm, là bộc lộ tâm tình của mình bằng ngôn ngữ của âm thanh và nhịp điệu. Nó biểu dương ý chí và tình đồng đội, giải tỏa những buồn chán, ức chế, làm hưng phấn tinh thần, giãi bày tâm trạng của cá nhân hay tập thể, đem lại bầu khí vui tươi trong sinh hoạt…
Vì ca nhạc mang tính đa diện như hùng tráng, bi thương, vui vẻ, trầm buồn, kích động… tùy theo bài hát cũng như tâm trạng người hát và người nghe. Cho nên chỉ cần nghe một cá nhân hay tập thể hát lên một vài bài hát, thì chúng ta cũng có thể đánh giá được tâm trạng và “trình độ” sinh hoạt của cá nhân hay tập thể đó. Vì vậy, muốn hát cho đúng, cho hay và cho hợp với hoàn cảnh, tuổi tác… chúng tôi xin đưa ra một số nguyên tắc cơ bản sau đây, giúp cho các bạn thành công trong việc dạy hát và học hát.
1. Chọn bài hát:
– Chọn những bài thích hợp với lứa tuổi. Thiếu niên thì chọn những bài hát ngắn, vui tươi, hồn nhiên, dễ hát, dễ thuộc…. Thanh niên thì chọn những hùng ca, dân ca, những bài mang tính yêu nước, ca ngợi các chiến công tiền nhân, anh hùng dân tộc…
– Chọn những bài hát hợp với hoàn cảnh như: vui tươi, khích động tinh thần (khi buồn ngủ, mệt mỏi…), buồn rầu, nuối tiếc (khi chia tay…) và các hình thức sinh hoạt tập thể khác.
– Không chọn những bài tình cảm ủy mị, ướt át, rên rỉ… những bài hát quảng cáo, kích động bạo lực, xuyên tạc… những bài hát mang tính phi giáo dục như chế giễu người tàn tật, già nua, nghèo khổ…
2. Sắp xếp đội hình:
Thường thì chúng ta sinh hoạt ngoài trời, cho nên phải chọn đội hình vòng cung hay vòng tròn. Cho các đoàn sinh ngồi sát nhau để tiếng hát đỡ bị loãng. Người hướng dẫn đứng ở giữa hay ở vị trí nào mà mọi người có thể nghe và thấy mình rõ ràng.
Sắp xếp cho những em tinh nghịch hay hiếu động ngồi xa nhau.
3. Chuẩn bị tập hát:
– Nếu là bài hát dài thì nên in sẵn để phát hay cho ghi chép. Nếu ngắn thì tập thuộc lòng.
– Cho một băng reo hay một động tác thư giãn trước khi tập.
– Yêu cầu tất cả phải im lặng và tập trung cao.
4. Tập hát:
– Người hướng dẫn hát thử bài hát một vài lần thật đúng nhịp điệu và rõ ràng.
– Ngắt ra từng đoạn ngắn và tập từng câu. Mỗi câu tập 3-4 lần cho thuộc rồi mới sang câu khác.
– Từ câu thứ hai trở đi, mỗi khi tập xong một câu thì hát lại từ câu đầu cho bài hát được liên tục.
– Để ý nghe chỗ nào sai thì sửa ngay, vì khi quen rồi thì rất khó sửa, khi nào hát đúng mới sang câu khác.
– Khi đã tập hết bài thì phân nhịp bằng cách cho vỗ tay.
– Tập xong nên chia ra từng nhóm nhỏ để kiểm tra.
– Nhắc người học hát nên học thuộc lòng, đừng nhìn vào giấy.
– Yêu cầu hát lớn và mạnh dạn để tạo bầu không khí.
Sự khéo léo của người hướng dẫn
– Kiên nhẫn, tập kỹ từ đầu để ai cũng có thể hát được.
– Đừng tập quá nhanh, lướt qua những câu chưa thuộc.
– Luôn luôn khuyến khích mà không chế diễu người hát kém hay có chất giọng “đặc biệt”.
Ca múa tập thể
Ca múa là một trong những sinh hoạt ưa thích của thanh thiếu niên, nó vừa giải trí, vừa vận động, vừa là một phương tiện giáo dục rất hiệu quả.
Ca múa là hình thức bộc lộ tình cảm bằng những cử chỉ và điệu bộ một cách có nghệ thuật, cho nên điệu múa phải đi đôi với lời ca, bổ túc cho nhau, làm nổi bật ý tưởng của lời ca. Phải rập ràng, linh động, uyển chuyển, nhịp nhàng theo tiết tấu nhịp điệu của bài ca.
Ở đây, chúng tôi không đề cập tới các vũ đoàn chuyên nghiệp, các vũ công nghiệp dư, mà nói đến Ca Múa tập thể nghĩa là những điệu múa mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện được. Vì vậy, để đạt được kết quả tốt, chúng ta cần giữ những nguyên tắc cơ bản sau đây:
Nguyên tắc sáng tác các điệu múa tập thể:
– Biết tiết điệu của bài hát
– Cử điệu đơn giản, dễ dàng nhưng không đơn điệu. Tự nhiên mà không cầu kỳ hay quái dị.
– Động tác phải đi đôi với lời ca.
– Chú ý từng cử điệu của đầu cổ, mình, tay chân, bàn chân, ngón tay, ngón chân… làm sao cho nhịp nhàng.
– Có đi có về, tiến bao nhiêu bước thì lùi bấy nhiêu bước.
Làm thế nào để khi kết thúc mọi người lại ở vị trí lúc bắt đầu.
Nguyên tắc tập múa:
– Tập thật thuộc bài hát và hát đúng nhịp, đúng tiết điệu.
– Người hướng dẫn phải thuộc kỹ điệu múa, không ngập ngừng (có thể tập trước ở nhà nhiều lần).
– Nhắc các trại sinh những chỗ khó.
– Tập kỹ những động tác của từng câu, từng đoạn, sửa ngay nếu thấy sai.
– Như cách tập hát, sau mỗi đoạn chúng ta nên quay lại từ đầu để cho bài múa được liền lạc.
– Thoải mái và tự nhiên trong các động tác.
Để cho khỏi quên, thỉnh thoảng chúng ta phải ôn lại.
Biểu diễn
Thường thì “Ca múa tập thể” không phải là một tiết mục biểu diễn mà chỉ để cùng nhau vui chơi sinh hoạt, nhưng nếu cần (thí dụ trong buổi lửa trại), chúng ta cũng có thể biến nó thành một tiết mục văn nghệ hấp dẫn sinh động mà không phải đầu tư nhiều (vì đã thuộc). Muốn như vậy, khi trình diễn các bạn nhớ:
– Gương mặt phải vui tươi, tay chân uyển chuyển, thỉnh thoảng mỉm cười đúng chỗ.
– Đồng bộ, rập ràng (nương theo người đầu đàn, chờ nhau), nhưng không liếc ngó trắng trợn.
– Đặt mình vào khung cảnh, nhập vai, lột tả được ý nghĩa của bài múa.
– Đặt mình vào khung cảnh, nhập vai, lột tả được ý nghĩa của bài múa.
Những bài hát và ca múa thông dụng trong sinh hoạt:
Bài hát Nhảy lửa
Vũ điệu:
Đứng vòng tròn, hai tay trên hông.
A. Bước theo nhịp và đi vào trong 7 bước (chân phải trước) tới chữ “chất” đá cao chân.
B. Bước theo nhịp lui ra (trở về vị trí cũ)
C. Như đoạn (A) tới chữ “tách” đá cao chân phải
D. Như đoạn (B)
E. Nắmtay nhau chạy sang phải (hơi rùn chân, dậm theo nhịp)
F. Nắm tay nhau chạy sang trái (hơi rùn chân, dậm theo nhịp)
G. Nắm tay đi vào giữa, tới chữ “ca hát” thì tay giơ cao
H. Lui ra, lưng khom, tay quạt vòng theo nhịp
Con voi
Vũ điệu:
A. Dùng cùi chỏ tay phải huých vào người kế bên
B. Chỉ tay phía trước mặt
C. Hai tay vẽ hình vòng tròn lớn
D. Hai bàn tay nắm lại quay vòng với nhau trước ngực
E. Hai bàn tay xòe rộng, khuỷu tay sát người
F. Tay phải gãi đầu
G. Tay trái ve vẩy sau lưng
H. Tay phải ve vẩy trước mũi
Anh em ta về
Vũ điệu:
Chia thành từng cặp sẵn.
A. Cầm tay nhau nhảy theo nhịp mạnh, ngược chiều kim đồng hồ, nếu chân phải dậm xuống thì chân trái co lên và ngược lại.
B. Nhảy theo chiều ngược lại như đoạn A
C. Buông tay ra dậm chân tại chỗ, tay đánh cao
D. Từng cặp quay mặt lại với nhau, vẫn dậm chân tại chỗ
E. Từngcặp cầm hai tay nhau và nhảy vòng tròn quanh nhau.
F. Buông tay nhau đi 5 bước vào giữa.
G. Tay trái chống nạnh, tay phải chỉ trước mặt và nhịp nhịp.
H. Cầm tay nhau vừa vung vẩy vừa bước lùi, để chữ cuối cùng ca thì vung tay cao lên.
Trên đây là những điệu bài múa tiêu biểu trong các sinh hoạt tập thể còn rất nhiều bài múa đã có sẵn từ lâu trong các tài liệu sinh hoạt, chúng tôi không thể đưa hết vào được. Các bạn cũng có thể dựa theo những bài hát để sáng tạo các điệu múa cho thêm phong phú, đa dạng.
Băng reo
Băng reo hay tiếng reo âm thanh, lời nói, tiếng hát… đồng loạt và nhịp nhàng của một tập thể, dùng để chào mừng, khen tặng, chế diễu, thán phục, giải trí… và đánh tan bầu không khí tẻ nhạt, uể oải, thụ động, kéo tất cả mọi người nhập cuộc.
Có 4 loại băng reo:
1. Tiếng động (vỗ tay, dậm chân…)
2. Nói
3. Hát
4. Cử chỉ, điệu bộ
Đôi khi người ta phối hợp hai, ba hay cả bốn loại trên trong một băng reo. Nhưng cho dù sử dụng loại nào thì chúng ta cũng cần có những yếu tố sau:
– Rập ràng, đồng bộ
– Giản dị dễ làm
– Vui tươi, dí dỏm và có ý nghĩa
– Có tính cộng đồng (tất cả mọi người đều có thể tham dự)
Những yêu cầu của người hướng dẫn
Để cho một băng reo đạt chất lượng, người hướng dẫn cần lưu ý:
– Nếu là một băng reo mới, người hướng dẫn phải giới thiệu rõ ràng cho mọi người biết cách làm hay cách hô đáp trả.
– Làm nháp (nếu cần)
– Gây sự chú ý và tập trung, yêu cầu mọi người cùng tham gia.
– Nếu cần sử dụng tiếng hô, phải cao giọng và đanh gọn.
– Tập thể cần đáp lại mạnh mẽ và rập ràng.
– Người hướng dẫn cần sôi động, duyên dáng và sáng tạo.
Sau đây là một số băng reo tiêu biểu đã có từ lâu và thường dùng trong các buổi sinh hoạt tập thể.
Băng reo tiếng động
Trời mưa:
1. Chia ra hai phe, người hướng dẫn chỉ tay vào phe nào thì phe đó vỗ tay một cái (như tiếng mưa nhỏ giọt). Người hướng dẫn đưa tay cao khỏi đầu và quay vòng thì tất cả đều vỗ tay liên tiếp và vỗ lớn. Hạ tay xuống càng thấp thì vỗ càng nhỏ dần. Tùy theo sự linh động của người hướng dẫn để tạo ra những âm thanh như những cơn mưa từ xa ập tới rồi đi qua, xa dần, xa dần… để lại những giọt mưa tí tách.
2. Người hướng dẫn có thể cho làm mưa từ nhỏ đến to hoặc từ to đến nhỏ bằng cách vỗ từ 1 ngón tay, 2 ngón tay… cho đến cả bàn tay, hoặc ngược lại.
Vỗ tay theo nhịp:
Người hướng dẫn vỗ tay theo nhịp đếm 1-2-3 (ngưng), 1-2-3-4-5. Khi đã quen thì không cần đếm.
Người hướng dẫn có thể sáng tạo bằng nhiều cách, nhiều nhịp khác nhau hay nhại theo tiếng trống nghi thức.
Băng reo tiếng nói
Cóc nhái ễnh ương cãi nhau:
Chia làm 4 nhóm, mỗi nhóm có tiếng kêu khác nhau
– Nhóm 1: chuộc, chuộc, chuộc
– Nhóm 2: chẳng chuộc, chẳng chuộc, chẳng chuộc
– Nhóm 3: dở ẹc, dở ẹc, dở ẹc
– Nhóm 4: tức anh ách, tức anh ách
Tùy theo người hướng dẫn chỉ nhóm nào thì nhóm đó kêu, thỉnh thoảng quay vòng tay trên đầu thì cả 4 nhóm cùng kêu.
Cúng đình:
Chia làm 2 nhóm, người hướng dẫn đánh tay về nhóm nào thì nhóm đó kêu lên theo âm thanh của “trống, chiêng, mõ”.
– Nhóm 1: cúng chi, cúng chi
– Nhóm 2: cúng đình, cúng đình
– Nhóm 1: có chi, có chi
– Nhóm 2: có chè, có chè
– Nhóm 1: bưng!… bưng!
– Nhóm 2: cất!… cất!
Băng reo bài hát và cử điệu
Nào đoàn ta tiến:
(Bài hát) Nào đoàn ta tiến, theo dấu bao đấng anh hùng. Liều mình xông pha, băng mình qua chốn đạn tên.
(Băng reo) Sau khi hát xong, người hướng dẫn (NHD) vừa làm động tác phi ngựa vừa hô: “Quân ta!”, tất cả: “Xông pha!”
– Lần 1: NHD: “một tay” – Tất cả: “một tay”. Đưa cao một tay vừa nhịp vừa hát lại bài hát.
– Lần 2: NHD: “một tay” – “hai tay”. Tất cả: vừa lặp lại từng hai chữ, vừa đưa hai tay lên, hát lại bài hát.
– Lần 3: NHD: “một tay” – “hai tay” – “một chân”…
– Lần 4: NHD: “một tay” – “hai tay” – “một chân” – “hai chân”
Trò chơi
Trò chơi là gì ?
– Trò chơi là một hoạt động tự nhiên và cần thiết nhằm thỏa mãn những nhu cầu giải trí đa dạng của con người.
– Trò chơi là một phương pháp giáo dục thực hành hiệu nghiệm nhất đối với việc hình thành nhân cách, trí lực của trẻ em.
– Trò chơi là một hình thức dưỡng sinh của người lớn tuổi, giúp họ hăng hái, thư giãn, vui vẻ, trẻ tính…
Mục đích của trò chơi
Nhiều người trong chúng ta còn chưa đánh giá đúng mức sự ích lợi của trò chơi trong việc giáo dục thanh thiếu niên. Đôi khi họ còn cho rằng đó là một thứ công việc vô bổ, mất thời giờ… quan niệm đó hoàn toàn sai lầm.
Với người lớn, trò chơi là giải trí, thư giãn, giúp cho đầu óc bớt căng thẳng sau những giờ làm việc mệt nhọc. Với trẻ em, ngoài sự giải trí, trò chơi còn là một nhu cầu cần thiết cho sự phát triển Trí, Đức, Thể và Nhân Cách con người. Đối với các phong trào thanh thiếu niên, trò chơi là một lợi khí chính yếu trong những phương pháp giáo dục, giúp trẻ em rèn luyện và phát triển toàn mỹ các giác quan chính, làm cho trẻ khéo léo hơn, trí tưởng tượng phong phú hơn. Trò chơi còn giúp trẻ biết quan sát và phản ứng nhanh, biết tôn trọng kỷ luật, biết tự chủ, từ đó nảy nở tình đồng đội, đoàn kết thương yêu nhau….
Trong phương pháp giáo dục hiện đại, trò chơi là một môn huấn luyện quan trọng. Nước Bỉ đứng hàng đầu về tiến bộ sư phạm, thấy rõ sự quan trọng và ích lợi của trò chơi trong công tác giáo dục, nên đã đưa bộ môn trò chơi vào trong chương trình giáo dục quốc gia. Nhà tâm lý học Kunkel người Anh nói: “Trò chơi là một phương tiện để tái tạo lại tâm lý ổn định cho một số em khó tính, dở người, vô trật tự… vì trong lúc chơi, trẻ em không thu mình lại, chúng sẽ vui vẻ hẳn lên, thích hoạt động hơn… Khi bị khép vào luật chơi, các em sẽ dần dần có trật tự, kỷ luật và sinh động hơn….”
Thông qua trò chơi, các nhà giáo dục, các anh chị Phụ trách sẽ hiểu rõ hơn về tính tình của từng em như: mạnh bạo, nhút nhát, ích kỷ, vị tha, nóng nảy, điềm đạm, thông minh, đần độn, khéo léo, vụng về…
Tóm lại:Trò chơi là một phương tiện giáo dục và giải trí, giúp cho cá nhân được rèn luyện, giúp cho tập thể có được bầu không khí vui vẻ, thân ái, thông cảm…
Ích lợi của trò chơi
Như đã đề cập đến trong phần mục đích, bất kỳ trò chơi nào cũng mang một ích lợi trong việc giáo dục và rèn luyện nhất định:
– Tăng cường sức khỏe: Trò chơi thường được tổ chức ngoài thiên nhiên thoáng đãng, không khí trong lành. Có nhiều trò chơi cần đến sự vận động cơ bắp như: chạy nhảy, kéo đẩy, mang vác…
– Luyện giác quan: Với những trò chơi phản ứng nhanh, ghi nhớ, nhanh mắt, thính tai, lẹ tay, quan sát, tập trung tư tưởng… (trò chơi Kim, thò thụt, cái tát bất ngờ, bịt mắt bắt dê…)
– Luyện ý chí và ý thức: Hăng say đua tranh để giành chiến thắng. Tự chủ, không rụt rè, sợ hãi, không bị lôi cuốn bởi nhiệt tình bồng bột. Chấp hành kỷ luật của trò chơi. Kiên nhẫn trong khi chơi. Biết sáng tạo, linh động.
– Luyện tính tình: Các em trở nên vui vẻ, sôi động. Rèn luyện tính đồng đội, biết đoàn kết gắn bó với nhau để giành chiến thắng, phát triển năng khiếu tốt, sự can đảm, gan dạ, lòng vị tha…
Trò chơi còn giáo dục các em biết ý thức công dân, những em biết tự giác tôn trọng luật chơi, khi lớn lên, cũng sẽ tự giác giữ đúng pháp luật của quốc gia, luật lệ của hàng xóm… nếu các em không tự giác thì chúng ta phải uốn nắn dần dần.
Trò chơi cũng có thể chữa trị cho những em bị trầm uất, bị căng thẳng hay suy nhược thần kinh…
Phân loại trò chơi
Có nhiều cách phân loại trò chơi, nhưng với đối tượng của chúng ta là thanh thiếu niên, chúng ta tạm phân loại theo ba cách sau đây:
1. Phân loại trò chơi theo sự năng động
– Trò chơi động: là những trò chơi có sự chuyển động hoặc vận dụng đến cơ bắp của người chơi như chạy nhảy, nhào lộn, kéo đẩy, gồng gánh, vượt chướng ngại…
– Trò chơi tĩnh: là những trò chơi cần vận dụng trí óc và giác quan, người chơi ít di chuyển cũng như ít vận động cơ bắp, những trò chơi tĩnh như: bắn tên, ghi nhớ lâu…
2. Phân loại trò chơi theo không gian
– Trò chơi ngoài trời: hầu như tất cả những trò chơi đều có thể chơi được ngoài trời, nhưng chúng ta phải lưu ý là sân chơi phải phù hợp với trò chơi. Thí dụ: sân đất cứng, sân gạch hay xi măng… thì không nên chơi những trò chơi mạnh bạo, có thể té ngã gây thương tích. Sân có nhiều cây cối, chướng ngại… thì không nên chơi rượt đuổi hay bịt mắt…
– Trò chơi trong nhà: thường áp dụng trong giờ giải lao của một buổi hội họp, học tập… hoặc vì mưa gió không thể chơi ngoài trời được. trò chơi trong nhà thường là trò chơi tĩnh, ít di chuyển…
3. Phân loại trò chơi theo mức độ
– Trò chơi nhỏ: là những trò chơi được tổ chức trong nhà hay trên sân bãi nhỏ, ứng dụng trong những sinh hoạt, học tập, họp mặt, tiệc vui… và thời gian chơi cũng rất ngắn, chỉ khoảng 5-10 phút.
– Trò chơi lớn: là những trò chơi được dàn dựng công phu dựa theo một câu chuyện, một truyền thuyết, một lịch sử… Cũng có khi dùng trò chơi lớn như một cách ôn tập các môn đã học. Trò chơi lớn được dàn dựng ở những địa thế rộng lớn như núi rừng đồng ruộng, sông biển… Được tổ chức từ vài giờ đến vài ngày, cá biệt có những trò chơi dài đến hàng tháng.
– Ngoài ra, người ta còn phân trò chơi theo từng thể loại như, trò chơi luyện giác quan (ai đây, bịt mắt), trò chơi khéo léo (ném bóng, thổi đèn cầy), trò chơi nhanh nhẹn (đập tay, ném bóng), trò chơi lý luận (có, không), trò chơi phản xạ (trời đất, nước, bắn súng), trò chơi vận động nhẹ (chuyền dép), trò chơi luyện trí nhớ (kim)…
Yêu cầu trò chơi
Để có một trò chơi đúng nghĩa và bổ ích phải hội đủ 3 yếu tố sau:
+ Xây dựng bầu khí
+ Rèn luyện kỹ năng
+ Giáo dục chiều sâu
Thiếu một trong ba yếu tố trên, trò chơi sẽ trở thành phản tác dụng, có tai hại nhất thời hoặc sâu xa.
Xây dựng bầu khí: Trò chơi phải góp phần xây dựng một bầu không khí vui tươi, sống động, lôi kéo mọi người cùng tham gia, xóa bỏ xa lạ ngại ngùng, khép kín, thụ động, giải tỏa mọi căng thẳng, đem lại niềm vui và nụ cười. (cần hỗ trợ một vài bài hát sinh hoạt ngắn, vui, vài băng reo hay múa tập thể đơn giản).
Nhưng dẫu có vui thế nào, dẫu có cười đến chảy nước mắt đi nữa mà thiếu 2 yếu tố sau, thì niềm vui sẽ hời hợt chóng qua hay sượng sùng trơ trẽn.
Rèn luyện kỹ năng:Làm sao để cho các bài tập thể dục biến thành trò chơi phản xạ nhanh, tháo vát… (con cò con bò con sò, thụt thò, dài ngắn cao thấp…). Các bài khóa huấn luyện kỹ năng khô khan, biến thành trò chơi ứng dụng thực hành hiệu quả và hấp dẫn (đua xe tam mã, tìm vàng…). Các bài toán rối trí biến thành trò chơi động não, suy luận, phân tích lý thú (em học toán)…
Như vậy qua nhiều lần chơi với các trò chơi khác nhau, các em đã nghiễm nhiên được rèn luyện từng chút một mà không hay biết. Không cần những bài khóa dài dòng tốn công sức và thời gian.
Giáo dục chiều sâu:Yêu cầu này, chúng ta không nhận thấy bộc lộ một cách rõ rệt nhưng lại hết sức quan trọng. Nó góp phần vun đắp tính nhân bản một cách âm thầm, tiệm tiến nhưng hiệu quả có thể nói là thấm thía sâu xa hơn so với các bài công dân, đạo đức, trong các trường lớp. Nó giúp các em nhận thức được tinh thần đồng đội và kỷ luật tập thể, tính trung thực trong khi thi đấu, mối tương quan ứng xử tốt đẹp trong xã hội, vâng phục người lớn, tôn trọng người khác….
Chọn lựa trò chơi
Chúng ta thường ít quan tâm đến việc chọn lựa trò chơi cho thật phù hợp với hoàn cảnh, mà cứ nhớ trò chơi nào là “xào” trò chơi đó, cho nên đôi khi gặp nhiều trường hợp lố bịch, phản giáo dục, quá thấp hay quá cao so với trình độ người tham dự…
Chúng ta nên chọn lựa trò chơi theo những yếu tố sau:
+ Chọn lựa trò chơi theo độ tuổi
+ Chọn lựa trò chơi theo giới tính
+ Chọn lựa trò chơi theo trình độ
+ Chọn lựa trò chơi theo số lượng người tham dự
+ Chọn lựa trò chơi theo kỹ năng tập thể (đã từng sinh hoạt, chưa quen sinh hoạt, quen biết nhau hay còn xa lạ…)
+ Chọn lựa trò chơi theo tình trạng sức khỏe và tinh thần (hưng phấn, vui vẻ hay mệt mỏi, buồn chán…)
+ Chọn lựa trò chơi theo sân bãi (trò chơi trong rừng, trò chơi trên sân cứng, trên bãi cát mềm, trò chơi dưới nước…)
+ Chọn lựa trò chơi theo thời gian (ngày, đêm)
Ngoài ra, chúng ta cũng cần để ý đến các yếu tố thời tiết, ánh sáng, dụng cụ, khung cảnh, hoàn cảnh… Một trò chơi hay mà đưa ra không đúng lúc thì cũng tẻ nhạt, vô ích và đôi khi lố bịch, nhàm chán… Nhưng nếu đúng lúc, đúng hoàn cảnh… thì nó là một thang thuốc đại bổ.
Điều khiển trò chơi
Trò chơi có hấp dẫn hay không là tùy thuộc vào nghệ thuật điều khiển của người quản trò. Cần thực hiện một trò chơi theo từng giai đoạn sau đây:
Chuẩn bị:
1. Xác định đối tượng: Lứa tuổi, giới tính, trình độ, sức khỏe, đặc điểm tâm sinh lý.
2. Số lượng người chơi: Chọn những trò chơi sao cho phù hợp với số lượng người chơi và cố gắng làm sao cho càng nhiều người tham gia vào trò chơi càng tốt. Đừng nên chọn một trò chơi mà từ đầu đến cuối chỉ có một hai người chơi, còn bao nhiêu thì làm khán giả.
3. Điều kiện sân bãi (hay trong phòng): Diện tích sân chơi có thể chứa được bao nhiêu người. Trò chơi nào phù hợp với sân bãi hay phòng ốc đó (thí dụ: một sân khá rộng, có thể chứa được nhiều người, nhưng không phù hợp với những trò chơi có rượt đuổi).
4. Dụng cụ: Nếu là trò chơi cần có dụng cụ (gậy, banh, dây, khăn, còi…) thì phải chuẩn bị sẵn.
5. Ước lượng những tình huống có thể xảy ra: Trong khi hăng say tranh giành phần thắng về mình, các em sẽ bất chấp tất cả mưa gió, té ngã, trầy da sứt trán, rách áo quần… đôi khi dẫn đến sự trớ trêu, lố bịch, vô luân (nhất là những trò chơi mạnh, hỗn hợp nam nữ), hoặc lén lút ăn gian, qua mặt trọng tài hay người hướng dẫn để giành phần thắng… chúng ta cũng nên lưu ý đến yếu tố ánh sáng, thí dụ nếu trời tối mà người hướng dẫn ra hiệu bằng ngón tay hoặc những vật nhỏ… thì người chơi không thể nào nhìn thấy được.
Thực hiện trò chơi
1. Giải thích trò chơi:
+ Yêu cầu mọi người im lặng, tập trung
+ Chọn lối trình bày rõ ràng, ngắn gọn, dí dỏm
+ Qui định luật chơi và khung thưởng phạt
+ Hỏi lại lần cuối xem người đã hoàn toàn hiểu chưa
2. Phân chia lực lượng:
Nếu là trò chơi có sự thi đua tập thể, thì chúng ta phải biết phân chia lực lượng thành từng đội, nhóm… làm sao cho đồng đều về số lượng, về thể lực, về giới tính…
3. Phân công (nếu cần):
Nếu trò chơi cần thêm người phụ tá trợ giúp hay cần thêm trọng tài, thì phải phân công cho thật cụ thể, để họ hiểu rõ phần trách nhiệm của mình nằm trong giới hạn nào.
4. Làm nháp:
Tùy theo trò chơi và đối tượng mà chúng ta có thể cho chơi thử một hoặc hai lần, rồi “xé nháp” và vào cuộc. Nhưng nếu trò chơi cũ hay dễ chơi, thì đối tượng có thể bỏ thủ tục làm nháp để trò chơi có thể hấp dẫn ngay từ đầu.
5. Tiến hành chơi:
– Người hướng dẫn phải luôn di động, bao quát sân chơi.
– Quan sát mọi phản ứng về tâm lý, ngôn ngữ, hành động của người chơi.
– Khai thác khía cạnh dí dỏm của trò chơi, sáng tạo, linh hoạt với tiến độ chơi, đối tượng chơi.
– Đề cao tinh thần tự giác, mã thượng, thẳng thắn, kỷ luật.
– Phải công bằng, chính xác, dứt khoát trong việc bắt lỗi vi phạm luật chơi và bảo vệ luật chơi.
– Dành cho người chơi phát huy sáng kiến trong khi chơi, miễn là không vi phạm luật chơi.
– Thay đổi cách chơi, làm sao cho mọi người chơi đều có dịp thắng cuộc (người thì do thông minh, người thì do nhanh nhẹn, người thì do sức lực…)
– Biết dừng lại đúng lúc trước khi mọi người quá mỏi mệt hay trò chơi trở nên nhàm chán.
Kết thúc trò chơi
Nên xử phạt người thua bằng các hình thức nhẹ nhàng, tế nhị.. để người thua vui vẻ tự nguyện tiếp thu mà không bị “sốc” hay miễn cưỡng, gượng ép.
Người hướng dẫn nhận xét, phê bình và kiểm điểm trò chơi, nêu ra những ưu khuyết điểm về không khí cuộc chơi, luật chơi…
Tính cách người hướng dẫn:
Người hướng dẫn không hẳn là một quản trò, cũng không phải là một hoạt náo viên mà là một nhà giáo dục. Cho nên ngoài khả năng tạo bầu không khí sinh động, vui vẻ cho tập thể, người hướng dẫn còn phải biết khai thác góc cạnh giáo dục của trò chơi. Muốn được như vậy, các bạn cần phải rèn luyện một số đức tính cũng như cần có một số điều kiện sau:
+ Biết coi trò chơi như là một công cụ giáo dục, một việc làm đứng đắn.
+ Thật tâm yêu mến trẻ và dễ dàng hòa nhập với họ.
+ Bản thân phải vui vẻ, hăng hái thì mới lôi cuốn mọi người.
+ Đã từng điều khiển trò chơi nhiều lần, có vốn liếng phong phú về trò chơi. Có sổ tay ghi chép phân loại trò chơi.
+ Biết tường tận mọi biến thái của trò chơi và tiên liệu được mọi tình huống có thể xảy ra.
+ Bản lĩnh vững vàng, tài năng đa dạng, ứng biến nhanh nhạy… và có thể biến tất cả các bài học thành trò chơi.
+ Biết tự rút cho mình những bài học về những sai phạm, vấp váp hay thành công sau mỗi lần điều khiển một trò chơi.